Thuốc aspirin là thuốc gì? Được dùng trong những trường hợp nào, liều dùng và thời gian sử dụng ra sao? Bệnh nhân cần lưu ý gì trong quá trình dùng thuốc? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau.

Aspirin là thuốc gì, aspirin có tác dụng như thế nào?

Aspirin (Tên hóa dược là Acetylsalicylic acid thuộc nhóm kháng viêm Non-Steroid) được dùng phổ biến trên thế giới từ những năm đầu thế kỷ 19 do có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ sốt trong các bệnh lý như đau cơ, đau răng, cảm lạnh,... 

Aspirin là một trong những loại thuốc có lịch sử rất lâu đời. Vào năm 1892, Aspirin lần đầu tiên được dược sĩ Pierre Joseph Leroux chiết xuất từ cây liễu, cho đến nay người ta đã tìm ra nhiều phương pháp tổng hợp khác nhau. Qua hơn 100 năm, aspirin là một trong những loại thuốc thông dụng nhất do giá thành thấp, tổng hợp đơn giản. Acid acetylsalicylic (aspirin) có trong danh mục thuốc thiết yếu Việt Nam ban hành lần thứ 4 năm 1999.

Tuy nhiên, sau này người ta đã phát hiện ra một công dụng khác của Aspirin đó là khi sử dụng liều thấp, Aspirin giúp ngăn ngừa hình thành huyết khối do chống kết tập tiểu cầu (một giai đoạn đóng vai trò khởi phát trong quá trình hình thành cục máu đông). Do đó, sau khi có nhiều bằng chứng khoa học về giảm tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch, Aspirin được dùng chủ yếu để để dự phòng cho những người đã từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, người có bệnh tim mạch do đặt stent hoặc sau phẫu thuật mạch vành...

Thuốc chống đông máu aspirin trong điều trị Covid 19

Aspirin có tác dụng chống đông máu, giảm đau, giảm viêm

Công dụng của thuốc Aspirin, dùng để điều trị những bệnh gì?

Thuốc Aspirin được chỉ định dùng trong những trường hợp như:

- Giảm các cơn đau ở mức độ nhẹ đến trung bình, đồng thời giúp giảm sốt.
- Chứng viêm cấp và mạn tính như: Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm (thoái hóa) xương khớp và viêm đốt sống dạng thấp.
- Chống kết tập tiểu cầu mà Aspirin được sử dụng trong một số bệnh lý tim mạch như: Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, thuốc còn được dùng dự phòng biến chứng tim mạch ở bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao. Điều trị và dự phòng một số bệnh lý mạch não như đột qụy. Chống viêm, hạ sốt và chống huyết khối đối với hội chứng Kawasaki. Trong cuộc sống hàng ngày, aspirin có thể dùng làm giảm mụn nhọt, mụn trứng cá; làm sạch gàu; chữa vết cắn, đốt của côn trùng,..

Cơ chế chống đông máu của Aspirin

Khi có vết thương hay bị chảy máu, cơ thể kích hoạt quá trình chữa lành thương tự nhiên: 

Thành mạch bị tổn thương, lớp collagen nằm bên dưới tế bào nội mạc mạch máu được lộ ra. Tiểu cầu sẽ đến dính vào lớp collagen này. Sau khi tiểu cầu kết dính với collagen, nó được hoạt hoá và giải phóng ra nhiều chất như ADP, thromboxane A2,... 

ADP và thromboxane A2 gây hoạt hoá các tiểu cầu ở gần và làm chúng dính vào lớp tiểu cầu ban đầu. Rồi cứ như vậy, các lớp tiểu cầu bị hoạt hóa, đến dính vào chổ tổn thương càng lúc càng nhiều tạo nên các cục máu đông.

Cục máu đông đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn đầu, giúp cho máu không thoát ra ngoài lòng mạch, bảo vệ cơ thể không bị mất máu. Bình thường, sau quá trình đông máu, cơ thể sẽ tự sản sinh ra các chất để phân hủy cục máu đông, đảm bảo sự lưu thông bình thường của mạch máu. 

Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lý, cục máu đông không tan ra mà có xu hướng lớn hơn hoặc di chuyển đến các nơi khác gây tắc mạch, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đột quỵ,...

Khi sử dụng Aspirin liều thấp, nó sẽ ức chế enzym cyclo oxygenase (COX-1), giúp giảm quá trình tạo thành thromboxane A2, làm giảm hoạt hóa tiểu cầu, nhờ đó, không tạo thành cục máu đông.

Liều dùng của thuốc Aspirin

Đối với từng mục tiêu điều trị khác nhau thì liều dùng khác nhau. Liều dùng Aspirin trong điều trị một số bệnh lý như sau:

Người lớn (Liều dùng cho người cân nặng 70kg)

- Hạ sốt, giảm đau: Uống 325 – 650 mg, cách 4 giờ 1 lần (nếu cần) khi vẫn còn triệu chứng.
- Chống viêm (viêm khớp dạng thấp): Uống 3 - 5 g/ngày, uống nhiều lần, chia làm liều nhỏ trong ngày
- Ức chế kết tập tiểu cầu: Uống 100-150mg/ngày
Dự phòng khả năng xảy ra đột quỵ trên những bệnh nhân có dấu hiệu thiếu máu não: Liều dùng Aspirin là 50 – 325 mg/ngày uống 1 lần duy trì trong ngày, thời gian duy trì thuốc là mãi mãi.

Trẻ em:

- Giảm đau/hạ nhiệt: Uống 50 - 75 mg/kg/ngày, chia làm 4 - 6 lần, không vượt quá tổng liều 3,6 g/ngày. Nhưng chỉ định rất hạn chế vì nguy cơ hội chứng Reye.

- Chống viêm khớp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên: Uống 80 – 100 mg/kg/ngày, chia làm nhiều liều nhỏ (5 - 6 lần), tối đa 130 mg/kg/ngày khi bệnh nặng lên, nếu cần.

Bệnh Kawasaki:

- Trong giai đoạn đầu có sốt: Uống trung bình 100 mg/kg/ngày (80 – 120 mg/kg/ngày), chia làm 4 lần, trong 14 ngày hoặc cho tới khi hết viêm.

- Cần điều chỉnh liều để đạt và duy trì nồng độ salicylat từ 20 đến 30 mg/100 ml huyết tương.

Trong giai đoạn dưỡng bệnh: Uống 3 - 5 mg/kg/ngày (uống 1 lần). Nếu không có bất thường ở động mạch vành thì thường phải tiếp tục điều trị tối thiểu 8 tuần. Nếu có bất thường tại động mạch vành, phải tiếp tục điều trị ít nhất 1 năm, kể cả khi bất thường đó đã thoái lui. Trái lại nếu bất thường tồn tại dai dẳng, thì phải điều trị lâu hơn nữa.

Với thuốc Aspirin pH8 thì liều dùng lại có một số thay đổi như sau:

- Trong điều trị bệnh lý viêm cột sống dính khớp: Liều dùng Aspirin là 3g/ngày, uống nhiều lần trong ngày.
- Trong điều trị các bệnh lý về khớp và cột sống: Liều dùng Aspirin cao hơn, khoảng 4g/ngày, uống nhiều lần trong ngày.
- Trong điều trị viêm xương khớp: Liều dùng Aspirin là 3g/ngày, uống nhiều lần trong ngày.

 

Thuốc Aspirin 81mg dùng cho người lớn cũng có rất nhiều liều dùng, phù hợp với từng trường hợp bệnh lý cụ thể như sau:

- Trong điều trị nhồi máu cơ tim: Liều dùng Aspirin là 160 – 162.5 mg/ngày, uống 1 lần trong ngày, dùng trong khoảng 30 ngày kể từ khi bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim cấp tính.
Trong điều trị đột quỵ nguyên nhân thiếu máu lên não: Liều dùng Aspirin là khoảng 50 – 325 mg/ngày, uống 1 lần trong ngày.
- Trong điều trị cơn đau thắt ngực: Liều dùng Aspirin là 75 – 325 mg/ngày, uống 1 lần trong ngày.
- Trong dự phòng cơn đau thắt ngực, đột quỵ nguyên nhân do cục máu đông, cơn nhồi máu cơ tim: Liều dùng Aspirin là 75 – 325 mg/ngày, uống 1 lần.

Những tác dụng phụ của thuốc Aspirin cần lưu ý

Tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc chống đông máu Aspirin là nguy cơ kích ứng niêm mạc dạ dày. Tuy hiếm gặp nhưng trong các trường hợp nghiêm trọng thuốc có thể gây thủng, loét, chảy máu dạ dày.

Để giảm nguy cơ này, người bệnh nên uống thuốc sau bữa ăn. Nếu có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, ợ nóng, loét dạ dày,... người bệnh nên thông báo với bác sĩ để được can thiệp kịp thời.

Tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc chống đông máu Aspirin khi không thông qua ý kiến bác sĩ, đặc biệt trong trường hợp người bệnh đã được phẫu thuật đặt stent mạch vành vì nguy cơ tắc mạch cao.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng khác của thuốc bao gồm:

- Dễ bầm tím, chảy máu, ù tai, khó nghe; buồn nôn, nôn kéo dài;
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân, chóng mặt
- Nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt, các dấu hiệu của vấn đề về thận (như thay đổi lượng nước tiểu),...
- Suy nhược một bên cơ thể, đột ngột thay đổi thị lực, đau đầu dữ dội
- Dị ứng nghiêm trọng với thuốc tuy hiếm gặp nhưng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nên người bệnh cần hết sức cảnh giác. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc như phát ban, ngứa, chóng mặt nghiêm trọng; sưng mặt, lưỡi, cổ họng; khó thở,...
Khi có các triệu chứng nêu trên, cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.