1. Nước oxy già là gì? Oxy già sử dụng trong những trường hợp nào?

Nước ôxy già hay dung dịch ôxy già (còn gọi là hydrogen peroxid) trước nay được biết là một dung dịch thường dùng để sát khuẩn vết thương nhanh. Thuốc có tác dụng để sát khuẩn vết thương như làm sạch vết thương, vết loét; rửa miệng trong điều trị viêm miệng cấp và súc miệng khử mùi; làm sạch ống chân răng và những hốc tuỷ khác.

Do rẻ tiền và có thể mua ở bất cứ hiệu thuốc nào nên oxy già được dùng rộng rãi trong cuộc sống. Các công dụng chủ yếu của oxy già gồm:

1.1. Sát trùng vết thương

Đây có thể là mục đích sử dụng mà mọi người nghĩ đến nhiều nhất. Oxy già là một chất khử trùng nhẹ được sử dụng trên da để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhờ vào tính oxy hóa cao, dung dịch này dễ dàng loại bỏ các vi khuẩn có hại trên bề mặt da. Các vết cắt nhỏ, vết xước và vết bỏng là những vị trí thích hợp để dùng oxy già. 

Mọi người thường rửa vết thương bằng oxy già

Mọi người thường nghĩ đến sát khuẩn vết thương bằng oxy già

Sản phẩm này hoạt động bằng cách giải phóng oxy khi được dùng cho khu vực bị thương. Quá trình giải phóng oxy tạo ra bọt, giúp loại bỏ da chết và làm sạch khu vực này. Quá trình sinh bọt khí cũng góp phần đẩy các bụi bẩn, mảnh tế bào chết ra khỏi vết thương. Bởi vì là một dung dịch rẻ tiền nên đã có một thời, nó không thể thiếu trong tủ thuốc mọi nhà. Tuy vậy, sản phẩm này không được sử dụng để điều trị vết thương hở, vết cắn của động vật hoặc vết bỏng nghiêm trọng.

1.2. Sát trùng ngoài vết thương 

Ngoài sát trùng vết thương, oxy già còn được sử dụng để sát khuẩn các vị trí khác. Có thể pha loãng oxy già và sử dụng như một dung dịch rửa tay. Cách làm này thường phổ biến trước khi chăm sóc vết thương. Các dụng cụ y tế cũng có thể được khử khuẩn bằng oxy già trong một số trường hợp. 

Oxy già cũng có thể được sử dụng như một loại nước súc miệng để giúp loại bỏ chất nhầy hoặc giảm kích ứng nhẹ ở miệng (ví dụ: do vết loét/vết loét lạnh, viêm lợi). Có thể sử dụng oxy già để rửa tai, lấy ráy tai. Lưu ý không được để dung dịch dính vào mắt hoặc thoa lên vùng da rộng nhạy cảm, da mỏng. Nếu sử dụng để súc miệng, không được nuốt.

1.3. Các tác dụng khác của oxy già

Ngoài sử dụng trong y tế, oxy già còn được ứng dụng nhiều trong đời sống. Tác dụng oxy hóa của nó được ứng dụng để tẩy trắng, tẩy uế, lau chùi vệ sinh,…

2. Sử dụng Oxy già cho vết thương hở, nên hay không?

Dù được sử dụng nhiều như vậy, nếu bạn lạm dụng oxy già sẽ gây ra những hậu quả không ngờ. Những trường hợp sau không nên sử dụng oxy già nguyên chất:

- Vết thương hở: Ôxy già có thể làm tổn thương cả những tế bào da khỏe mạnh khiến cho quá trình lành vết thương diễn ra chậm hơn rất nhiều. Vì vậy, khi có vết thương hở, bạn tuyệt đối không nên sử dụng ôxy già để sát khuẩn. Nếu có vết thương hở, hãy rửa vết thương bằng nước thật sạch sau đó thấm khô, bôi thuốc mỡ và băng gạc sạch để tránh vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vết thương gây nhiễm khuẩn.

- Vết thương lên da non: Đối với vết thương đang lên da non bạn cũng không nên rửa bằng ôxy già. Lý do bởi đây là vùng da dễ bị tổn thương. Khi sát khuẩn vùng da này bằng ôxy già sẽ khiến vết thương khó lành, để lại sẹo bởi tính sát khuẩn mạnh.

- Rửa tai: Ống tai là nơi vô cùng nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương. Mọi vết xước hay nước lọt vào tai đều có thể gây nhiễm khuẩn ống tai nghiêm trọng và có thể gây điếc tai. Vì vậy, mặc dù ôxy già có thể khiến ráy tai mềm ra và dễ lấy hơn nhưng bạn không nên lạm dụng sự trợ giúp của ôxy già.

- Rửa vết thương khoang kín: Đại tràng, đường ruột… là những khoang kín trong cơ thể. Những nơi này bạn tuyệt đối không nên sử dụng ôxy già để rửa vết thương bởi sẽ gây ra tắc khí mạch, viêm trực tràng, vỡ đại tràng, viêm loét đại tràng, hoại tử ruột… nếu ôxy được giải phóng ra mà không có đường thoát.

Ngoài ra, một số những nguyên nhân khác khiến oxy già ngày nay ít được sử dụng cho vết thương hở là: Cảm giác đau rát, sủi bọt trắng, gây tâm lý sợ hãi khi sát trùng vết thương. 

3. Một số dung dịch sát khuẩn vết thương thường dùng thay thế oxy già

Một số thuốc sát khuẩn ngoài da hay sử dụng khi da bị tổn thương nhẹ như té ngã, trầy xước gồm: Nước muối sinh lý (Nacl 0,9%), povidone iodine, cồn y tế, betadine,...

Một trong những lưu ý là tuyệt đối không dùng các loại thuốc sát trùng này khi bị bỏng.