Vết loét lâu ngày – Dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm

Các vết loét ban đầu chỉ là các vết thương nhỏ. Thông thường những vết thương này sẽ tự lành sau một khoảng thời gian nhất định, thường là trong vòng một tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những vết thương này không lành và sẽ tạo thành vết loét.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, phổ biến như sau:

Do ung thư

Những vết loét ở miệng hoặc lưỡi thường không được chú trọng đúng mức. Nhiều người chủ quan cho rằng đó chỉ là vết nhiệt và không quan tâm đến nó dù cho nó không lành sau cả tháng trời. Những vết loét lâu ngày như vậy có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh ung thư da. Ngoài ra, dấu hiệu ban đầu của ung thư lưỡi cũng khá giống với nhiệt miệng. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu bất thường kể trên, đừng chần chừ nữa, hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.

vet-loet-lau-lanh-ung-thu-da

Vết loét lâu ngày có thể là biểu hiện của bệnh ung thư da.

Do bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường mãn tính gây nên những tổn hại thần kinh, khiến cơ thể mệt mỏi và làm giảm khả năng cảm nhận đau đớn. Vì vậy, người bệnh có thể bị thương nhưng không biết để xử lý kịp thời. Lâu ngày, những vết thương nhỏ chuyển thành những vết loét lâu ngày.

Do tổn thương hệ thống tuần hoàn

Nếu vết loét lâu ngày xuất hiện ở gót chân và mắt cá chân, hãy cẩn thận bởi đây có thể là dấu hiệu của sự tổn thương hệ thống tuần hoàn. Điều này được giải thích như sau: trong chân có những van tĩnh mạch. Bình thường, máu chảy từ tĩnh mạch về tim, những van này có vai trò như cánh cửa một chiều khiến máu không thể chảy theo chiều ngược lại. Tuy nhiên, nếu van tĩnh mạch bị tổn thương, máu sẽ chảy ngược trở lại chân gây nên hiện tượng ứ máu ở chân. Hậu quả là gây ra những vết loét lâu ngày ở vùng gót chân và mắt cá chân.

Ngoài ra, những người bị xơ vữa động mạch cũng thường bị loét da ở tay chân. Vì khi sự vận chuyển máu qua động mạch bị cản trở bởi những bám, lượng oxy trong máu không được dẫn đủ tới những vị trí ở xa tim như chân, tay. Vết thương không đủ chất dinh dưỡng để tự lành. Nếu không được chăm sóc kĩ, vết thương nhỏ sẽ tạo tạo thành những vết loét khó lành.

Do nằm lâu một chỗ

Trường hợp này thường xảy ra với những bệnh nhân bị tai biến, đột quỵ, liệt… không thể di chuyển trong thời gian dài. Đối với những bệnh nhân này, vết loét thường hình thành ở các vị trị bị tỳ đè nhiều mà không được vận động như phần trên mắt cá chân, mông, vai, chân… Vì vậy, khi chăm sóc cho họ, cần chú ý thường xuyên xoa bóp và thay đổi tư thế cho người bệnh.

Cách phòng chống vết loét lâu ngày

Như chúng ta đã biết, vết loét thường bắt đầu bằng một vết thương nhỏ nhưng không được chăm sóc kĩ. Vì vậy, để tránh xảy ra các trường hợp đáng tiếc như vậy hãy chăm sóc bản thân chu đáo. Đừng chủ quan với những vết thương nhỏ. Hãy thực hiện các bước sát trùng và băng bó đầy đủ (nếu cần thiết). Chăm sóc để vết thương nhanh lành sẽ hạn chế tối đa tổn thương cho da và đảm bảo chúng không để lại những vết sẹo xấu xí trên làn da của bạn, phải không nào?

Để phòng tránh nhiệt miệng thì rất đơn giản. Bạn chỉ cần ghi nhớ: uống nhiều nước, ăn ít các món chiên, xào và ăn nhiều các thực phẩm giúp bổ sung vitamin C. Tại sao lại như vậy? Hiện tượng nhiệt miệng xảy ra chủ yếu do cơ thể bị nóng sinh nhiệt. Uống đủ nước và ăn nhiều các loại thực phẩm chứa vitamin C như đu đủ, cam, cà chua… là biện pháp đơn giản và ít tốn kém giúp làm mát cơ thể. Những món chiên xào khô thường có tính háo nước. Một cách tự nhiên, chúng sẽ hút nước của cơ thể khiến cơ thể bị thiếu nước. Do đó, nhiệt lượng của cơ thể bị đẩy lên cao. Từ đó, có thể gây nên tình trạng nhiệt miệng.

Đối với những bệnh nhân năm lâu, ít di chuyển cần có chế độ chăm sóc phù hợp. Cụ thể là:

- Nên lựa chọn đệm hơi, đệm nước thay vì những loại đệm cứng, nóng hoặc chiếu trúc.

- Với những vùng thường xuyên bị tỳ đè, hãy lót thêm. Ví dụ nên lót gối hoặc chăn ở vùng khủy tay, mông, lưng, cẳng chân, mắt cá chân. Nếu  bệnh nhân nằm sấp thì cần lót thêm ở vùng ngực.

- Thực hiện vệ sinh sạch sẽ cho bệnh nhân nhất là khi bệnh nhân ra nhiều mồ hôi hoặc sau khi đi vệ sinh.

- Thường xuyên xoa bóp ở những vị trí bị chèn ép, đảm bảo mạch máu được lưu thông.

- Thường xuyên đổi tư thế cho bệnh nhân, tốt nhất nên đổi tư thế sau 2 giờ/lần. Tuy nhiên, cần tránh thay đổi tư thế đột ngột hoặc tác động vào vết thương của bệnh nhân.

tro-nguoi-tranh-vet-loet-lau-ngay-do-ty-d

Trở người cho bệnh nhân để tránh loét.

Cách điều trị vết loét lâu ngày

Các giai đoạn hình thành vết loét

Giai đoạn 1: Da bị đỏ và cảm thấy ấm khi chạm vào

Giai đoạn 2: Bắt đầu xuất hiện những vết rộp mụn, vết hở hoặc vùng da lạnh ngắt do thiếu oxi.

Giai đoạn 3: Da bị bong tróc, mưng mủ, bốc mùi do bị tổn thương nặng.

Giai đoạn 4: Tổn thương da và tế bào nặng, nhiễm trùng nặng, thậm chí có thể nhìn thấy cơ hoặc xương.

Xử lý vết loét lâu ngày

Những vết loét ở giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2 có thể được chữa lành nếu được chăm sóc đúng cách và theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cụ thể bạn có thể tiến hành theo các bước như sau:

- Dùng gạc vô trùng thấm nhẹ xung quanh vết loét để loại bỏ dịch mô, mủ và các tế bào chết. Chú ý chấm nhẹ để không làm tổn thương các tế bào sâu hơn.

- Sử dụng nước muối sinh lý thay vì các dung dịch kháng khuẩn để rửa sạch vết thương vì dung dịch này có thể gây tổn thương tới các tế bào khác.

- Sử dụng bông gạc hoặc các trang thiết bị y tế chuyên dụng để băng bó và bảo vệ vết loét, tránh cho vết loét bị nhiễm trùng lại.

Nếu vết loét đã chuyển sang giai đoạn 3 hoặc giai đoạn 4 thì bạn tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà. Hãy tới bệnh viện để các bác sĩ khám và tư vấn cụ thể. Với sự phát triển hiện nay, các bác sĩ có thể áp dụng liệu pháp ánh sáng hoặc kỹ thuật chuyển vạt mông lớn… để hạn chế tổn thương và điều trị các vết loét lâu ngày.

Đọc đến đây, có lẽ bạn đã hình dung được phần nào nguy hiểm của những vết loét lâu ngày. Nó không chỉ gây tổn thương da, ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Vì vậy, nếu thấy trên da xuất hiện những vết loét bất thường hãy tới bệnh viện để kiểm tra ngay nhé. Sức khỏe của bạn vẫn là điều xứng đáng được quan tâm nhất, phải không nào?