GÂY BỆNH CÂY HUYẾT GIÁC ĐỂ CHIẾT LẤY DƯỢC CHẤT
Tác giả:
TS.BS Trần Bá Thoại
|
Tham vấn Y Khoa
TS.BS Trần Bá Thoại
|
Ngày đăng
15/07/2019
|
Lần cập nhật cuối:
18/07/2019
|
Số lần xem:
3775
|
Huyết giác là thuốc đông dược quý. Người ta sử dụng phần vỏ thân cây huyết giác già cỗi bị nhiễm nấm thực vật để làm thuốc, khiến cho nguồn dược liệu này rất khan hiếm. Để hạn chế điều đó, ngày nay người ta đã nghiên cứu ra cách gây nấm cho cây huyết giác để chủ động khai thác bài thuốc "kháng sinh từ tự nhiên" quý hiếm này.
Qua kinh nghiệm thực tế, Đông y chỉ chọn sử dụng những phần gỗ màu đỏ nâu, huyết giác, ở thân những cây huyết giác già cỗi, bị nhiễm bệnh để làm thuốc.
Với phân tích thực nghiệm, Tây y phát hiện rằng, chính phần thân cây bị nhiễm nấm chứa các dược chất có tác dụng kháng sinh, và hiện nay, họ gây bệnh nấm cho cây huyết giác để chủ động thu thập kháng sinh từ huyết giác nhân tạo này.
Gây bệnh cây huyết giác để chiết lấy dược chất
1. Định danh cây huyết giác
Huyết giác, Xác máu, Trầm dứa, Cau rừng, Xó nhà, Dragon tree (Anh), tên khoa học Dracaena cambodiana, họ Huyết giác Dracaenaceae, bộ Măng tây Asparagales.
Cây huyết giác thường mọc trên núi đá vôi ở đất liền, hải đảo từ bắc chí nam, gần đây huyết giác còn được trồng làm cây cảnh. Huyết giác có thân gỗ nhỏ cao từ 2 đến 4 mét. Lá hình dải, mép nguyên, có bẹ, mọc tụ thành tán ở ngọn. Hoa màu lục vàng, mọc thành chùm kép ở ngọn thân. Quả mọng, hình cầu, khi chín màu đỏ, chứa một hạt.
Phần làm thuốc, huyết giác hay huyết kiệt. là phần chất gỗ màu đỏ nâu ở gốc của các cây già cỗi bị nấm bệnh (lignum dracaenae). Đây là những lõi gỗ hình trụ rỗng ruột hoặc những mảnh gỗ hình dạng, kích thước khác nhau, chất gỗ thường cứng chắc không mùi, vị hơi chát chát.
Nhựa trong khối gỗ huyết giác gồm hỗn hợp nhiều nhân vòng hữu cơ, flavonoid, saponin steroid, dracoresin… Trong số này, có vài chất có tác dụng dược lý được sử dụng.
2. Cây Huyết giác là đông dược quý
Theo Đông y, huyết giác có vị đắng chát, tính bình; có tác dụng chỉ huyết, hoạt huyết, sinh cơ, hành khí; dùng chữa bị thương máu tụ sưng bầm, bế kinh, tê mỏi, đau lưng nhức xương, tổn thương xuất huyết, trĩ, kiết lỵ, tiểu ra máu, nôn ra máu. Lưu ý không dùng huyết giác cho phụ nữ có thai.
3. Một số bài thuốc đông y có sử dụng huyết giác
* Rượu xoa bóp:
Huyết giác 20g, Quế chi 20g, Thiên niên kiện 20g, Đại hồi 20g, Địa liền 20g, Gỗ vang 40g. Các vị tán nhỏ, cho vào chai với 500ml rượu 30 độ, ngâm một tuần lễ, lấy ra vắt kiệt, bỏ bã. Khi bị thương do đánh đập, té ngã, đau tức, bầm ứ huyết, dùng bông tẩm rượu thuốc xoa bóp. Có thể ngâm riêng 100g Huyết giác trong nửa lít rượu để vừa uống vừa xoa, tác dụng tương tự.
* Thuốc giảm đau
Huyết giác, Đương quy, Ngưu tất, Mạch môn, Sinh địa, mỗi vị 12g, sắc uống. Nếu có sốt, ho, tim to thì gia Chi tử, Thiên môn, Địa cốt bì, Huyền sâm, mỗi vị 12g, sắc uống.
* Thuốc bổ máu
Huyết giác 100g, Hoài sơn 100g, Hà thủ ô 100g, hạt Tơ hồng 100g, Đỗ đen sao cháy 100g, Mè đen 30g, Ngải cứu 20g, Gạo nếp rang 10g. Tất cả tán bột trộn với mật làm thành viên, ngày dùng 10-20g.
* Thuốc cầm máu
Chữa đại, tiểu tiện ra máu, ho nôn ra máu, chảy máu cam: Dùng lá huyết giác tươi 160g, long nha thảo và rễ tranh mỗi thứ 60g; sắc nước uống 2 lần uống mỗi ngày.
4. Gây bệnh huyết giác để lấy dược chất
* Phân tích hóa sinh thực nghiệm
Trên các mẫu vật huyết giác có được từ kích thích nhân tạo (artificially induced dragon ’s blood), các nhà dược lý học đã phân tích thực nghiệm cho thấy có chứa nhiều hợp chất hữu cơ, trong đó có 10 flavonoid, 6 saponin nhân steroid… có tác dụng dược lý nhất định.
Bằng cách phân tích vi sinh vật học, các nhà khoa học chứng minh rằng chính những loại nấm thực vật (endophytic fungi) ký sinh trên cây đã tạo ra phần huyết giác (dragon ‘s’ blood of dracaena cambodiana) là nguồn sản sinh ra các dược chất quý có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa, chống ung thư…
* Gây bệnh để chiết tách kháng sinh
Khác với Đông y, chỉ thu hái thụ động những cây huyết giác già cỗi, nhiễm nấm để làm thuốc, Tây y hiện đại chủ động “canh tác” huyết giác hệt như cấy trầm trên cây dó bầu. Có ba cách tạo ra huyết giác “nhân tạo” như sau: (1) Gây thương tích thân cây để kích tạo huyết giác, phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện nhưng khả năng thành công thấp; (2) Tiêm chích hóa chất kích thích thân cây tạo ra huyết giác. Phương pháp này rất hiệu quả, có thể tạo được nhiều huyết giác trong khoảng thời gian ngắn, tuy nhiên sản phẩm có thể bị nhiễm hóa chất độc, và (3) Dùng vi nấm ký sinh kích thích cây tiết ra nhựa cô lập vết thương rồi tạo thành huyết giác. Phương pháp cấy nấm ký sinh cho kết quả khả quan: tỷ lệ thành công cao và sản phẩm sạch như tự nhiên, không có độc chất.
Thay lời kết
Với cách thức sản xuất chủ động, tân tiến và khoa học, không xa nữa chúng ta sẽ khỏi phải thụ động, mất thời gian, nhọc công đi tìm cây huyết giác già cỗi, nhiễm nấm trong tự nhiên, mà có thể ngồi nhà dùng những viên thuốc đặc trị với dược chất tốt được sản xuất công nghiệp dược tân tiến.
TS.BS Trần Bá Thoại
Nguồn: https://dantri.com.vn