Làm cách nào nhận biết biến chứng đông máu sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19
Tác giả:
Hà Thủy
|
Tham vấn Y Khoa
|
Ngày đăng
10/09/2021
|
Lần cập nhật cuối:
28/10/2024
|
Số lần xem:
1051
|
Trong tình hình dịch bệnh phát triển nhanh và khó lường như hiện nay, tiêm vacxin là biện pháp ưu tiên hàng đầu để cơ thể tạo kháng thể miễn dịch. Tuy nhiên, nhiều người còn e ngại về tác dụng phụ như tạo huyết khối, cục máu đông, có thể gây tử vong.
Đông máu sau tiêm vaccine phòng COVID-19 là một phản ứng hiếm gặp. Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và tìm hiểu. Vậy làm cách nào nhận biết biến chứng đông máu sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19?
- Nguyên nhân gây đông máu sau khi tiêm Vacxin Covid 19
- Các triệu chứng nhận biết bị đông máu sau khi tiêm Vacxin Covid - 19
- Làm cách nào để nhận biết dấu hiện đông máu sau khi tiêm phòng Covid-19
- Các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán đông máu sau khi tiêm vacxin
- Cách điều trị đông máu sau khi tiêm vacxin Astrazeneca phòng Covid - 19
Theo Bộ Y tế, triệu chứng đông máu hay còn gọi là thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin COVID- 19 của Astra Zeneca (AZ) và Johnson & Johnson đã được ghi nhận trong các báo cáo của các Cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc xin tại nhiều quốc gia.
Trong đó, tỷ lệ huyết khối sau tiêm vacxin phòng COVID-19 là hiếm gặp, cụ thể với AstraZeneca là 4,6/1 triệu liều tiêm thứ nhất, vacxin Pfizer-BioNTech là 0,2/1 triệu liều tiêm thứ nhất. Huyết khối sau tiêm vắc xin AstraZeneca chủ yếu gặp ở nữ. Tỷ lệ đông máu sau tiêm vacxin AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi. Sau tiêm vacxin AstraZeneca tỷ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu.
Tổ chức y tế thế giới đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vắc xin COVID-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, huyết khối tĩnh mạch não. Biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4 đến 28 ngày sau khi tiêm vắc xin COVID-19.
Nguyên nhân gây đông máu sau khi tiêm Vacxin Covid 19
Đông máu (huyết khối) là do giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vắc xin. Đây là biến cố nặng hiếm gặp, biểu hiện thuyên tắc huyết khối kèm theo số lượng tiểu cầu thấp, xảy ra sau khi tiêm vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vắc xin COVID-19, cơ thể có thể sinh kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (platelet factor-PF4) giống như kháng thể HIT.
Phức hợp kháng nguyên kháng thể đó hoạt hoá tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối và có thể chảy máu, gặp nhiều hơn ở phụ nữ dưới 60 tuổi.
Các triệu chứng nhận biết bị đông máu sau khi tiêm Vacxin Covid - 19
Sau khi tiêm vắc-xin từ 24-48 giờ, nếu người được tiêm có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, nhức đầu hoặc đau cơ mức độ từ nhẹ đến trung bình thường không gợi ý đến biến chứng huyết khối với giảm tiểu cầu. Đây là những phản ứng thường gặp sau tiêm chủng.
Sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19, bạn cần theo dõi tại nơi tiêm 30 phút và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 30 ngày sau đó. Các dấu hiệu sớm liên quan đến biến chứng huyết khối - giảm tiểu cầu sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 bao gồm:
1. Thường xuất hiện từ ngày thứ 4 cho đến ngày thứ 30 sau tiêm vắc-xin. Khoảng thời gian cao điểm cho các triệu chứng ban đầu là ngày 6 đến ngày 14.
2. Các triệu chứng biểu hiện ban đầu thường ở mức độ nặng, dai dẳng và tái diễn.
3. Các triệu chứng thường gặp:
- Huyết khối mạch máu não, nội tạng và phổi: Nhức đầu dữ dội; Đau bụng, đau lưng; Buồn nôn và nôn; Thay đổi thị lực; Thay đổi trạng thái tinh thần như cáu gắt, buồn rầu, hay giận vô cớ, ngủ gà và lơ mơ; Đau ngực và khó thở; Sưng chân và đau chân, tăng hơn khi vận động.
- Giảm tiểu cầu từ nhẹ đến nặng: Vết bầm tím ngoài da có đặc điểm: Dạng chấm, dạng mảng, dạng u máu; Màu đỏ tươi, tím bầm, màu vàng nhạt; Khi ấn hoặc đè vào vết bầm không biến mất; Không đau và xuất hiện tự nhiên. Chảy máu răng, miện tự nhiên hoặc sau chải răng. Chảy máu mũi, xuất huyết kết mạc mắt tự nhiên. Tiểu máu, đi cầu phân đen hoặc máu tươi. Kinh nguyệt bất thường và rong kinh kéo dài ở phụ nữ. Xuất huyết có thể biểu hiện cùng lúc dưới da, niêm mạc và nội tạng.
Khi có các dấu hiệu trên sau tiêm ngừa từ ngày thứ 4, cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế tiêm ngừa để được thăm khám, tham vấn và trị liệu.
Làm cách nào để nhận biết dấu hiện đông máu sau khi tiêm phòng Covid-19
Nhận biết qua các triệu chứng lâm sàng của hiện tượng đông máu sau tiêm vắc xin thường xuất hiện từ 4 – 28 ngày sau tiêm với các biểu hiện như:
- Đau đầu dai dẳng, dữ dội, nhìn mờ, nhìn đôi, co giật, tê yếu, liệt
- Khó thở hoặc đau ngực (gợi ý thuyên tắc phổi hoặc hội chứng vành cấp)
- Đau bụng dai dẳng
- Đau, phù 2 chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu).
- Bệnh nhân ít khi biểu hiện chảy máu, xuất huyết da hoặc xuất huyết nội tạng.
Các xét nghiệm cận lâm sàng chẩn đoán đông máu sau khi tiêm vacxin
Các xét nghiệm cần thực hiện:
- Đếm số lượng tiểu cầu: giảm < 150 G/l hoặc theo dõi động học tiểu cầu giảm.
- Các xét nghiệm đông máu cơ bản có thể bất thường (Howell hoặc APTT, tỉ lệ Prothrombin, Fibrinogen).
- Xét nghiệm định lượng D-dimer: tăng
- Xét nghiệm kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu-heparin (PF4-heparin): có thể dương tính.
Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm/doppler mạch: vị trí có biểu hiện lâm sàng như bụng, chi… có thể phát hiện huyết khối.
- Chụp Xquang, cắt lớp vi tính/cộng hưởng từ: vị trí có/nghi ngờ biểu hiện lâm sàng (não, phổi, vị trí đau, phù…): phát hiện các vị trí huyết khối hoặc chảy máu
Bộ Y tế nêu rõ, tại cơ sở y tế xã/phường, trung tâm y tế quận/huyện, cần theo dõi người tiêm vắc xin COVID-19. Nếu xuất hiện ít nhất 1 trong các triệu chứng lâm sàng trên cần chuyển người sau tiêm vắc xin COVID-19 lên tuyến cao hơn và xử trí cấp cứu bệnh nhân nếu có.
Tại các bệnh viện tuyến huyện/quận, người tiêm vắc xin COVID-19 nếu xuất hiện một trong các triệu chứng: đau đầu dai dẳng, đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa), đau phù chi dưới hoặc biểu hiện chảy máu, xuất huyết da thì cần thực hiện các xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu, các xét nghiệm đông máu cơ bản, các thăm dò khác như siêu âm, Xquang, cộng hưởng từ... để tìm nguyên nhân. Nếu có biểu hiện bất thường thì chuyển người sau tiêm vaccine lên tuyến cao hơn hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia.
Với người tiêm vắc xin có triệu chứng đau đầu dữ đội, các triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, khó thở đau ngực, chảy máu xuất huyết đe dọa tính mạng cần chuyển lên tuyến cao hơn.
Cách điều trị đông máu sau khi tiêm vacxin Astrazeneca phòng Covid - 19
Rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Nhìn chung, điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường.
Tại Việt Nam, Bộ y tế đã ban hành tài liệu "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19". Đồng thời, Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn trên toàn quốc Thông tư 51/TT-BYT về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Trong đó hướng dẫn phương pháp điều trị chủ yếu sử dụng thuốc chống đông máu theo từng giai đoạn như giai đoạn cấp và giai đoạn duy trì. Tuy nhiên việc điều trị chống đông máu cũng mang tới những nguy cơ xuất huyết tiềm ẩn trong quá trình điều trị nên không tự ý sử dụng thuốc mà phải dưới sự chỉ định của bác sĩ.