Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) là nhóm thuốc có khả năng ngăn chặn phản ứng viêm ở cơ quan bị tổn thương. Loại thuốc này được sử dụng phổ biến trong quá trình điều trị chống đau, viêm mãn tính, các bệnh lý về xương khớp. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm hiểu rõ hơn về NSAID.

1. Viêm là hiện tượng gì?

Viêm là phản ứng bảo vệ bình thường của cơ thể trước các tổn thương, kích thích, nhiễm trùng và chấn thương. Hiện tượng viêm xảy ra khi các tế bào bạch cầu chiến đấu để bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Viêm cũng có thể xảy ra khi cơ thể bị thương, ví dụ như: do phẫu thuật, tai nạn, bị căng cơ khi hoạt động thể thao, cơ bị đau, sưng và viêm.

Viêm cấp tính là phản ứng miễn dịch thường chỉ kéo dài vài ngày và có lợi cho việc chữa lành, mặc dù thường có cảm giác khó chịu như ngứa hoặc đau nhức. Trong khi viêm mãn tính có thể dẫn đến đau và tổn thương lâu dài, chẳng hạn như trong viêm khớp.

Một số dấu hiệu viêm nhiễm trên cơ thể có thể được điều trị bằng thuốc chống viêm là sưng, đau, nóng, mẩn đỏ. Hiện nay các bác sĩ khuyến nghị biện pháp điều trị, chẳng hạn như dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng cho mục đích chống viêm và giảm đau.

thuoc-chong-viem-khong-steroid

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng cho mục đích khám viêm và giảm đau

2. Tìm hiểu về thuốc chống viêm không steroid 

2.1 Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) là gì?

Thuốc chống viêm không steroid- NSAIDs là một nhóm thuốc bao gồm các thuốc có hoạt tính kháng viêm, giảm đau hạ sốt và không chứa nhân steroid. Trong nhóm thuốc NSAIDs có một số hoạt chất được sử dụng phổ biến nhất có thể kể đến như aspirin, ibuprofen hay meloxicam.

Tùy theo từng loại thuốc mà mức độ của các tác dụng này sẽ biểu hiện ít hoặc nhiều. Cụ thể:

+ Giảm đau: Đây chính là công dụng đặc biệt của loại thuốc này, giúp người bệnh giảm các cơn đau  do căng cơ, đau bụng kinh, đau răng, bong gân, đau đầu, đau nửa đầu…

+ Chống viêm: NSAIDs giúp làm giảm hiện tượng viêm cho bệnh nhân, nó có tác dụng ở thời kỳ đầu của hầu hết các loại viêm.

+ Hạ Sốt: NSAIDs có tác dụng hạ nhiệt cho cơ thể, thuốc có tác dụng hạ sốt đối với người có thân nhiệt cao, mà không làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. 

+ Chống ngưng tiểu cầu và chống đông máu: Ở lượng thấp thì thuốc có tác dụng ức chế enzym thromboxan synthetase dẫn đến tổng hợp thromboxan A2 là chất làm đông vón tiểu cầu, chống kết tập tiểu cầu và chống đông máu. Ở lượng cao thì lại làm tăng kết tiểu cầu và tăng đông máu.

2.2 NSAIDs hoạt động như thế nào?

Nhóm thuốc NSAIDs bao gồm các hoạt chất khác nhau nhưng có chế ức chế các chất trung gian hoá học gây viêm, quan trọng nhất là prostaglandin - điều này lý giải phần lớn các hiệu quả của thuốc, đồng thời cũng giải thích tác dụng phụ của nhóm thuốc chống viêm không steroid. 

Thông thường, cơ thể bạn sản xuất ra một chất hóa học gọi là prostaglandin để bảo vệ dạ dày khỏi tác động của axit. Hiện thuốc được chia thành hai nhóm chính: COX I và COX II. Trong đó COX I tham gia vào quá trình tạo ra các prostaglandin bảo vệ niêm mạc dạ dày và hỗ trợ đông máu, trong khi đó Enzyme COX II có khả năng tạo các prostaglandin gây ra tình trạng viêm và sốt. Việc chỉ định một thuốc nào trong nhóm cần cân nhắc trên một bệnh nhân cụ thể.

Một số hoạt chất phổ biến trong nhóm thuốc này như:

  • Aspirin: Có khả năng ngăn chặn enzyme COX I và COX II, nên ngoài tác dụng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, aspirin còn có thêm tác dụng ngăn cản kết tập tiểu cầu. 
  • Ibuprofen: Với tác dụng giảm đau mạnh hơn aspirin. Khi bệnh nhân sử dụng ibuprofen có thể bị kích ứng tiêu hóa, rối loạn tạo máu,…
  • Diclofenac: Hoạt chất này không chỉ có khả năng giảm đau khá mạnh, nhưng nó lại có tác dụng phụ đường tiêu hóa trên bệnh nhân cũng nặng hơn như loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, thiếu máu, ….
  • Meloxicam: Theo nhiều nghiên cứu đã chứng minh meloxicam giúp giảm đau khi di chuyển và khả năng ngăn chặn chọn lọc COX II, meloxicam ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, tim mạch so với diclofenac, piroxicam và celecoxib.
  • Một số hoạt chất khác như: naproxen, ketoprofen, coxib như celecoxib, rofecoxib, valdecoxib,.. cũng có các đặc tính giảm đau và tác dụng phụ tương tự như các hoạt chất trên.

Ngoài ra, các hoạt chất ngăn chặn chủ yếu COX II trong nhóm thuốc NSAIDs có thể giúp giảm đau, kháng viêm hiệu quả nhưng giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.

Cần lưu ý các thuốc chống viêm không steroid chỉ làm giảm các triệu chứng viêm mà không loại trừ được các nguyên nhân gây viêm, không làm thay đổi tiến triển của quá trình bệnh lý chính. 

nhom-thuoc-chong-vien-NSAIDs

Nhóm thuốc NSAIDs chống viêm hiệu quả và nhanh chóng

2.3 Liều dùng thuốc chống viêm không steroid

Tùy vào tình trạng cụ thể trên từng bệnh nhân mà nên bắt đầu bằng loại thuốc có ít tác dụng không mong muốn nhất. Có thể lấy ví dụ trên một số thuốc như:

- Meloxicam: Viên 7,5mg: 2 viên/ngày, sau ăn no hoặc dạng ống tiêm bắp 15mg/ngày x 2 - 3 ngày nếu bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.

- Piroxicam: Viên hoặc ống 20 mg: 1 viên/ngày, sau ăn no hoặc tiêm bắp ngày 1 ống trong 1 - 3 ngày đầu khi bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống.

- Celecoxib: Viên 200 mg: 1 đến 2 viên/ngày, uống sau ăn no. 

- Etoricoxib: Tùy theo chỉ định. Liều 30 - 45 - 60 - 90 mg mỗi ngày (uống lúc no). 

Lưu ý:

- Không sử dụng đồng thời hai hoặc nhiều thuốc chống viêm không steroid, vì kết hợp các thuốc trong nhóm không tăng hiệu quả mà gây tăng tác dụng không mong muốn.

- Cần thận trọng ở các đối tượng có nguy cơ: tiền sử dạ dày, tim mạch, dị ứng, suy gan, suy thận, người già, phụ nữ có thai... và chỉ định thuốc dựa trên sự cân nhắc giữa lợi và hại khi dùng thuốc.

- Nên dùng đường uống do thuốc được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Đường tiêm bắp không dùng quá 3 ngày. 

- Có thể kết hợp với thuốc giảm đau (nhóm paracetamol)

2.4 Chỉ định và chống chỉ định của thuốc kháng viêm

Thuốc kháng viêm không chứa steroid được chỉ định cho các bệnh như:

  • Các bệnh thấp khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, gút, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp tự phát thiếu niên…
  • Các bệnh hệ thống như ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể...
  • Thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, đau vai gáy, đau thần kinh tọa…
  • Bệnh lý phần mềm như iêm quanh khớp vai, hội chứng đường hầm cổ tay, viêm lồi cầu xương cánh tay, hội chứng De Quervain,...

Chống chỉ định tuyệt đối đối với những bệnh nhân sau:

  1. Suy gan mức độ nặng
  2. Bệnh nhân bị suy thận, suy gan, có tiền sử bệnh dạ dày
  3. Tình trạng loét dạ dày
  4. Người già
  5. Người bệnh mắc bệnh lý chảy máu không kiểm soát
  6. Có tiền sử bị dị ứng với thành phần của thuốc
  7. Phụ nữ mang thai ba tháng đầu hoặc ba tháng cuối, phụ nữ đang cho con bú.

Trên đây là những thông tin chi tiết về thuốc chống viêm không steroid (NSAID), hy vọng đã mang đến những kiến thức bổ ích về nhóm thuốc này cho bạn đọc. Tuy nhiên để việc điều trị đạt kết quả tốt và hạn chế tối đa các tác dụng phụ, người bệnh cần tuyệt đối dùng thuốc đúng liều đúng lượng theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Không được tự ý tăng liều lượng, không vượt liều tối đa.