Có 2 nhóm thuốc chống đông máu chính được sử dụng trên lâm sàng, gồm: Chống đông máu đường tiêm (Heparin); Chống đông máu đường uống (Thuốc kháng vitamin K, Thuốc chống kết tập tiểu cầu).

Thuốc chống đông Heparin

Có 2 loại heparin gồm: heparin thường (trọng lượng phân tử trung bình 12.000 - 15.000) và heparin trọng lượng phân tử thấp (trọng lượng trung bình 5.000).

Heparin thường: có tác dụng chống đông máu nhanh cả bên trong và ngoài cơ thể. Tác dụng của heparin tùy thuộc vào chiều dài chuỗi polysaccharid, tức là phụ thuộc vào trọng lượng phân tử heparin.

Heparin được dùng dự phòng và điều trị các bệnh do huyết khối: dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu; điều trị thuyên tắc do huyết khối; dự phòng thành lập cục máu đông trong chạy thận nhân tạo; kết hợp trong điều trị hội chứng mạch vành cấp. Tuy nhiên, nó dễ bị phân hủy ở đường tiêu hóa và không hấp thu qua đường uống nên phải dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch dưới da

Heparin trọng lượng phân tử thấp: Mặc dù heparin thường là một thuốc đã được sử dụng từ lâu và có ưu điểm là giá thành rẻ. Nhưng hiện nay, nó đã dần được thay thế bằng các heparin trọng lượng phân tử thấp (enoxaparin, nadroparin) trong một số trường hợp do những ưu điểm nổi bật của chúng. Enoxaparin tiện dụng hơn do có thể tiêm dưới da, trong khi heparin thường phải tiêm tĩnh mạch; thời gian bán thải của enoxaparin dài hơn heparin thường 2 - 3 lần nên chỉ cần dùng 1 lần/ngày. Enoxaparin tác dụng chọn lọc lên yếu tố xa nên tác dụng ổn định, có thể dùng liều cố định theo cân nặng; còn heparin thường phải điều chỉnh liều theo tác dụng chống đông. Hơn nữa, hiệu quả của enoxaparin bằng hoặc hơn heparin thường, mà tác dụng phụ như chảy máu hay giảm tiểu cầu cũng ít gặp hơn.

Thuốc kháng vitamin K

Thuốc kháng vitamin K là chất chống đông máu tổng hợp, dẫn xuất của coumarin (Coumadin, Sintrom) và indandion (Pindione, Prerviscan).

Thuốc kháng vitamin K hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa nhưng tác động chậm, chỉ có tác động sau khi uống 48 - 120 giờ.

Do thuốc có cấu trúc gần giống vitamin K nên cản trở việc khử vitamin K - epoxid thành vitamin K trong tế bào gan, là một chất cần cho việc tổng hợp các yếu tố đông máu.

Thuốc kháng vitamin K được dùng để điều trị tiếp theo heparin khi cần điều trị kháng đông kéo dài.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng phổ biến

Thuốc chống kết tập tiểu cầu như Aspirin, Clopidogrel,...

Cơ chế tác dụng: Thuốc ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông do tiểu cầu bị hoạt hóa nên có tác dụng chống đông máu từ giai đoạn cầm máu sơ cấp.

Có 5 nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu chính được sử dụng trên lâm sàng hiện nay:

- Aspirin là thuốc đầu tiên được phát hiện ra, có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm. Nhiều năm gần đây, nó được dùng như một thuốc chống kết tập tiểu cầu với liều thấp 100 mg/ngày.

- Clopidogrel (Plavix) là dẫn xuất thienopyridin đã được chứng minh trên số lượng lớn bệnh nhân có hiệu quả và độ an toàn cao trong phòng ngừa các biến cố huyết khối ở động mạch.

- Ticlopidin (Ticlid) có cấu trúc hóa học tương tự như clopidogrel, do đó có cơ chế tác dụng giống clopidogrel. Về hiệu quả điều trị, 2 thuốc này là tương tự nhau, nhưng ticlopidin kém an toàn hơn vì tỷ lệ bệnh nhân gặp tác dụng không mong muốn là giảm bạch cầu hạt cao 3,2% (trong khi clopidogrel chỉ là 0,15%, aspirin là 0,21%).

- Dipyridamol (Agrenox, Persantin) có cơ chế tác dụng chưa rõ ràng hay được sử dụng phối hợp với aspirin.

- Trifusal (Disgren) là một chất thuộc nhóm salicylat có cấu trúc gần giống aspirin. Thuốc có tác dụng chọn lọc trên cyclooxygenase của tiểu cầu, do đó ức chế sự tạo thành thromboxan A2, là chất gây kết tập tiểu cầu mạnh nhất. Có nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc có hiệu quả tương đương aspirin trong phòng ngừa các biến cố do huyết khối động mạch và tỷ lệ bệnh nhân gặp tác dụng phụ chảy máu nặng thấp hơn.

 Các thuốc chống kết tập tiểu cầu dùng duy trì để đề phòng các biến cố do huyết khối động mạch ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, tai biến mạch máu não. Thuốc cũng được sử dụng với những bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp.

Các vị thuốc chống đông máu nguồn gốc thảo dược

Có nhiều vị thuốc thảo dược có tác dụng chống đông máu, tiêu biểu như: Vị thuốc huyết giác. Vị thuốc  này được ghi trong các tài liệu khoa học có công dụng trị ứ máu, chấn thương máu tụ bầm không tan. Các nghiên cứu gần đây cho thấy huyết giác chống đông máu theo 2 cơ chế toàn diện: Vừa ngăn ngừa quá trình tạo cục máu đông từ giai đoạn sớm (giảm hoạt hóa tiểu cầu), vừa đóng vai trò quan trọng trong quá trình phá hủy cục máu đông sau khi đã hình thành. 

Vị thuốc này có ưu điểm an toàn, hạn chế tối đa các tác dụng phụ, tuy nhiên, ít người biết đến.

Các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chống đông máu tân dược

Do tác động chống đông máu, tác dụng phụ điển hình của thuốc chống đông máu là gây chảy máu. Một số trường hợp nếu không được giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm có thể gây chảy máu nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não,...

Vì lý do này, trong thực hành lâm sàng, từ trước đến nay các thuốc chống đông máu đều cần được chỉ định sau khi đã đánh giá cả nguy cơ huyết khối và nguy cơ chảy máu của bệnh nhân thật cẩn thận. Chỉ nên dùng thuốc chống đông máu cho các trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ, kèm theo giám sát chặt chẽ bệnh nhân.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc chống đông máu cũng phải bảo đảm cân đối giữa hiệu quả điều trị và khả năng kinh tế của người bệnh.