Thường sau đó khu vực bị va đập hiện rõ vùng da bị bầm dập, sưng tấy, nhất là ở đầu gối hoặc mu bàn chân là nơi dễ bị va chạm và sưng đau nhất. Nếu chỉ gây chấn động ở phần mềm mà chưa ảnh hưởng đến xương, gân, cơ thì vết thương vẫn tương đối nhẹ, nhưng cơn đau sẽ khó mà giảm dần, hoặc chứa đựng những nguy hiểm khó lường nếu người bị thương không xử trí vùng sưng để giảm đau kịp thời và đúng cách. Vậy nên, ở bài viết này hãy cùng tìm hiểu các bước giúp giảm sưng ở chân nhanh nhất mà bất kỳ ai cũng sẽ cần dùng đến.

Dấu hiệu nhận biết của vết sưng bầm tím

Khi chân bị sang chấn, các mao mạch sau tác động mạnh dẫn tới bị vỡ, làm chảy máu trong mô mềm, tuy nhiên bởi ngoài da không bị rách nên lượng máu tồn đọng lại xung quanh vết thương, gây ra tình trạng sưng tấy, đau đớn, hơi co giật. Và vì máu ở vùng bị thương đó đông lại nhưng không lưu thông được như bình thường nữa nên xuất hiện vết bầm tím, có thể còn làm tăng khả năng gây viêm ở vết thương.

Trường hợp va chạm quá nhẹ thì cơ thể sẽ tự phục hồi, vết bầm tím cần khoảng 1 đến 2 tuần để tan từ từ. Nhưng hầu hết khi đã là va chạm mạnh, vết thương sẽ nặng hơn nếu không chữa trị ngay dẫn đến nhiễm trùng, nặng nhất là tình huống bị hoại tử buộc phải cắt bỏ chân. 

Giảm sưng đau ở chân ngay sau khi bị va đập

Việc cần làm ngay sau khi xảy ra thương tích ở chân là phải sơ cứu. Dùng nước muối sinh lý để rửa qua vết thương cho trôi toàn bộ bụi bẩn nếu như chân bị đau do tai nạn va quệt trên đường, nếu không có ngay nước muối thì dùng nước lạnh có nguồn sạch rửa. Chọn khăn vải sạch thấm nhẹ, hạn chế cọ sát hay tạo lực lên chân. Trường hợp do va chạm vào vật cứng không gây ra vết thương xước xát thì không cần rửa mà chuyển sang bước giảm sưng tức thì.

giam-sung-tan-mau-bam-o-chan-do-nga-xe-bang-da-lanh

Giảm sưng tan máu bầm ở chân do ngã xe bằng đá lạnh

Cách làm giảm sưng bầm tím nhanh nhất đó là chườm lạnh vết thương. Bước này vô cùng hữu ích vì nhiệt độ thấp bất chợt sẽ làm các mao mạch co rút lại nhanh chóng, các mô bị dập được làm tê liệt, giúp vùng bầm tím bớt sưng đau, giảm tình trạng xuất huyết dưới da. Ngoài bị bầm tím nếu chân bị căng cơ hay bong gân thì vẫn có thể áp dụng cách này.

Cách dùng đá để giảm sưng rất đơn giản:

Bước 1: Lấy khoảng 2 đến 4 viên đá nhỏ tuỳ thuộc vào độ lớn của vùng bị thương

Bước 2: Cho đá vào túi vải hoặc dùng khăn mặt bọc các viên đá lại, không áp trực tiếp đá lạnh lên vết thương, bởi nếu làm như vậy sẽ gây ra bỏng lạnh.

Bước 3: Chườm túi đá vào vết sưng đau và các vùng xung quanh, giữ nguyên trong vòng 1 phút 

Bước 4: Thời gian chườm từ khoảng 5 đến 10 phút mỗi lần, mỗi lần cách nhau 1 giờ. 

Một vài lưu ý khi chườm đá lạnh:

- Không di túi đá trên bề mặt vết thương bởi sẽ làm xây xát thêm và tăng cảm giác đau buốt

- Chườm đá lạnh có tác dụng hiệu quả nhất trong vòng 72 giờ kể từ lúc xảy ra chấn thương

- Nên chườm nhiều lần trong ngày để vết thương được nhanh chóng giảm sưng

- Có thể sử dụng các viên đá lạnh ngay tại nhà hoặc tìm mua túi chườm y tế có bán tại các hiệu thuốc trên toàn quốc.

Nhiều người khi chân bị va chạm, vừa cảm nhận thấy vết sưng nhói lên thường không biết mà lấy dầu nóng để xoa ngay để mong giảm sưng tan bầm nhưng thực tế, việc xoa bóp với dầu nóng càng làm tổn thương thêm các mao mạch, chảy máu trong nhiều hơn. Cần tránh bóp nắn, xoa dầu và đặc biệt là không nên dùng thuốc tan máu bầm hoặc bôi mật gấu quá sớm (trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị va chạm). Nếu không biết hoặc vẫn cố dùng thì sẽ gây chảy máu nhiều thêm, làm tăng hiện tượng sưng, bầm và nhiễm trùng.

Các gợi ý tiếp theo để giảm sưng khi bị bầm dập ở chân

Sau khi được sơ cứu đúng thời điểm và thực hiện đúng các bước chườm lạnh là đã có thể yên tâm phần nào về vết thương. Tuy vậy vùng bị bầm tím sưng đau cũng cần có thời gian để hồi phục hoàn toàn chứ chưa thể hoạt động trở lại ngay chỉ sau khi được chườm lạnh. Hãy áp dụng các phương pháp dưới đây sẽ giúp thúc đẩy quá trình đánh tan vết bầm cũng như giảm sưng tan máu bầm đau ở chân nhanh nhất.

Đầu tiên, tắc mạch máu là một trong những nguyên nhân chính làm sưng tấy vết thương ở bất kỳ bộ phận nào, đặc biệt ở chân là nơi chịu toàn bộ trọng lực của cơ thể. Nếu chân bị thương mà vẫn phải tiếp tục chịu áp lực lớn liên tục sẽ kéo dài thời gian máu bị dồn tắc, để càng lâu lại càng sưng đau hơn. Nên hạn chế dùng đến chân bị sưng bầm, cũng nên cố định các vùng bị chấn thương nặng, không nên cử động nhiều. 

Thứ hai, khi ngồi hoặc nằm chú ý kê chân lên cao hơn bằng gối mềm để giúp máu lưu thông dễ dàng hơn ở vùng bị bầm tím, cách làm đơn giản này đồng nghĩa với việc giúp chân giảm sưng tấy khá hiệu quả.

ke-chan-len-cao-khi-ngoi-hoac-nam-giup-giam-sung

Kê chân lên cao khi ngồi hoặc nằm giúp giảm sưng hiệu quả

Thứ ba, mát-xa chân nhẹ nhàng cũng khá tốt cho việc giảm sưng. Trải qua quãng thời gian của vết thương mới xuất hiện, khi đã bớt sưng tấy đau nhức và có dấu hiệu tốt trong việc phục hồi, hãy dành thời gian cuối mỗi ngày xoa bóp nhẹ nhàng sẽ giúp các cơ thư giãn, cải thiện lưu thông máu và làm thoát lượng nước dư thừa - một trong những nguyên nhân gây sưng tấy sau khi bị thương.

Cuối cùng, vẫn có trường hợp ít vì thời gian sơ cứu vết thương chậm trễ, hay vì chưa biết tới cách phương pháp giảm sưng cũng như nhỡ áp dụng sai thứ tự mà vết thương tiến triển theo chiều hướng xấu đi, như: vết bầm tím kèm theo sốt; bị va đập sưng đau vùng gần mắt; vùng bị thương chuyển sang màu đỏ và rất đau, không cử động được; vết bầm tím không giảm sưng sau 2 tuần. Nếu nhận thấy vết bầm không có cảm giác dễ chịu hơn hay giảm sưng mà có thêm có dấu hiệu kể trên, đừng mất bình tĩnh cũng ngưng việc tự xử lý vết thương tại nhà, cần đưa người bị thương đến ngay các cơ sở y tế để chữa trị.