Các loại thuốc sát trùng dùng cho vết thương hở
Tác giả:
Hà Thủy
|
Tham vấn Y Khoa
|
Ngày đăng
21/06/2021
|
Lần cập nhật cuối:
06/11/2024
|
Số lần xem:
1795
|
Thuốc sát trùng vết thương là một trong những loại thuốc không thể thiếu trong tủ thuốc của mỗi gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tầm quan trọng và cách sử dụng chúng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc sát trùng không đúng có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nắm vững các kiến thức về thuốc sát khuẩn dùng trong gia đình khi bị thương là việc rất cần thiết.
- 1. Vì sao phải sử dụng thuốc sát trùng ngay sau khi bị vết thương hở?
- 2. Nắm vững nguyên tắc lựa chọn thuốc sát trùng vết thương hở
- 2.1. Thuốc có phổ tác dụng rộng
- 2.2. Hiệu quả diệt khuẩn nhanh
- 2.3. Không tác động tới quá trình lành thương tự nhiên của da
- 2.5. An toàn, không gây đau, xót da, rát da
- 2.6. Thuốc sát trùng không chứa kháng sinh kháng khuẩn
- 3. Các loại thuốc sát trùng phổ biến trên thị trường hiện nay
- 3.1. Nước muối
- 3.2. Cồn y tế
- 3.3. Nước oxy già
- 3.4. Povidone iod
- 3.5. Chlorhexidine
- 4. Lưu ý khi mua thuốc sát trùng ở hiệu thuốc
1. Vì sao phải sử dụng thuốc sát trùng ngay sau khi bị vết thương hở?
Trong thực tế điều trị, các bác sĩ kết luận rằng, một vết thương không bị nhiễm khuẩn sẽ cho thời gian hồi phục nhanh hơn nhiều. Bởi vậy, rửa vết thương bằng thuốc sát trùng ngay sau khi có vết thương hở được coi là bước chăm sóc quan trọng nhất.
Các lợi ích của thuốc sát khuẩn mang lại trong quá trình hồi phục vết thương như:
- Giúp loại bỏ bụi bẩn, dịch viêm, mảnh vụn da chết,... tại vị trí tổn thương. Giúp máu lưu thông bình thường, mang theo bạch cầu đến tiêu diệt mầm bệnh và chất dinh dưỡng để tăng tái tạo biểu mô, nhanh lên da non.
- Tiêu diệt các vi khuẩn, virus và các vi sinh vật có hại, ngăn ngừa viêm nhiễm kéo dài. Hạn chế tối đa tổn thương lan rộng và ăn sâu dưới da.
- Giúp ngăn cản vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong mô, cơ quan, hệ tuần hoàn, tránh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tạng,...
- Làm sạch vết thương, khử mùi hôi khó chịu do dịch mủ.
- Giúp vết thương lành nhanh, ngăn ngừa để lại sẹo.
Như vậy có thể thấy, sát trùng là bước quan trọng hàng đầu giúp nhanh phục hồi tổn thương trên da. Tuy nhiên, cần dùng loại thuốc sát trùng nào, loại nào tốt nhất cho da thì phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
2. Nắm vững nguyên tắc lựa chọn thuốc sát trùng vết thương hở
Vùng da hở khi bị tổn thương là vùng da nhạy cảm vì các lớp cơ, mạch máu bị lộ ra ngoài, dễ bị tiếp xúc với các vi sinh vật có hại. Nếu sử dụng thuốc sát trùng thì đây là vùng sẽ tiếp xúc trực tiếp với thuốc, bởi vậy, chúng cần thỏa mãn các tiêu chí:
2.1. Thuốc có phổ tác dụng rộng
Ngày càng có nhiều chủng vi sinh vật mới được phát hiện ra, chúng có thể là virus hoặc vi khuẩn chủng Gram – hoặc Gram +, có khả năng xâm nhập và tấn công vào vết thương cao. Vì vậy, nên lựa chọn loại thuốc sát khuẩn đủ mạnh, có phổ tác dụng rộng, có tác dụng tiêu diệt hết các chủng vi sinh vật ấy.
2.2. Hiệu quả diệt khuẩn nhanh
Thời gian là tiêu chí quan trọng để đánh giá một thuốc sát khuẩn có hiệu quả tốt hay không. Thuốc sát trùng tác dụng nhanh nên là lựa chọn hàng đầu vì những lý do:
- Tiêu diệt mầm bệnh ngay lập tức, khi mà chúng còn chưa kịp xâm nhập vào sâu bên trong, tránh gây viêm nhiễm.
- Rút ngắn thời gian cần để hồi phục vết thương
- Giảm thời gian tiếp xúc với thuốc sát trùng, giảm tác dụng phụ.
2.3. Không tác động tới quá trình lành thương tự nhiên của da
Nhiều thuốc sát trùng có hiệu lực rất mạnh nhưng lại có nhược điểm lớn đó là làm tổn thương nguyên bào sợi và tổ chức hạt – nguyên liệu tạo nên cấu trúc da, gây ảnh hưởng xấu đến quá trình tái tạo da non. Do đó, chúng làm da bị tổn thương không thể hồi phục một cách tự nhiên.
Một loại thuốc sát trùng lý tưởng là loại thuốc tối ưu được cả 2 yếu tố: vừa có phổ rộng, vừa không gây hại cho vết thương.
2.5. An toàn, không gây đau, xót da, rát da
Thuốc sát trùng vết thương tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc hở, nếu chứa những thành phần dễ gây kích ứng, nó sẽ khiến vết thương cực kì đau và xót. Để khắc phục điều này, nên sử dụng những loại thuốc sát trùng có PH trung tính, không chất màu, chất bảo quản, phụ gia,...
2.6. Thuốc sát trùng không chứa kháng sinh kháng khuẩn
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay đang tạo ra nhiều vấn đề, gây thách thức với cả ngành Y tế. Vi khuẩn, vi rút luôn tự biến đổi bộ gen của mình để đối phó với kháng sinh đã quen thuộc. Bởi vậy, sử dụng thuốc sát trùng không chứa kháng sinh để tránh tối đa nguy cơ kháng thuốc.
3. Các loại thuốc sát trùng phổ biến trên thị trường hiện nay
3.1. Nước muối
Nước muối sinh lý là dung dịch được sử dụng rộng rãi, dễ tìm, dễ mua, nồng độ PH phù hợp với cơ thể nên không gây xót, không đau, không gây kích ứng. Tuy nhiên, nước muối không có tác dụng sát khuẩn mạnh, chỉ có tác dụng làm sạch vết thương. Bởi vậy, người ta chỉ sử dụng nước muối với những vết thương, vết xước nhỏ.
3.2. Cồn y tế
Cồn được dùng để sát khuẩn là loại cồn có nồng độ 70-75. Cồn giúp phá hủy màng tế bào, làm biến tính protein của virus, vi khuẩn, nấm nên nó được dùng cực kì phổ biến trong cả sát trùng dụng cụ y khoa, rửa vết thương,...
Tuy nhiên, một số nhược điểm người bị thương có thể gặp phải khi sử dụng cồn như:
- Gây khô da khi dùng thường xuyên
- Gây xót da, đau, rát
- Tổn thương nguyên bào sợi, tổ chức hạt, cản trở quá trình liền thương
- Hiệu lực ngắn, phải dùng liên tục mới đảm bảo hiệu quả
Ngoài ra, cần ghi nhớ rằng: chỉ nên dùng cồn đúng nồng độ, không nên dùng cồn 90, 96 ở nồng độ cao hơn vì gây kích ứng mạnh và tuyệt đối không dùng thường xuyên.
Dùng Cồn 70 độ để sát trùng vết thương
3.3. Nước oxy già
Nước oxy già hay còn gọi là Hydroperoxid (H2O2). Đây là một chất sát khuẩn có tác dụng oxy hóa rất mạnh, nhưng đồng thời cũng gây khô, xót da và tổn thương mô dịch. Bởi vậy, khi sử dụng nước oxy già để sát khuẩn cần nhớ:
- Chỉ sử dụng nồng độ loãng khoảng 1,5-3%. Nồng độ cao hơn có thể gây bỏng, cháy da.
- Dùng lượng vừa đủ để tránh gây kích ứng da và tổn thương niêm mạc.
- Không dùng cho những vết thương đã lên da non, sắp lành.
- Không sử dụng cho các vùng kín hoặc khoang kín của cơ thể vì có thể gây tắc mạch do oxy giải phóng nhưng không thoát ra ngoài được.
- Dùng theo chỉ định của bác sĩ.
3.4. Povidone iod
Povidone iod là phức hợp tan trong nước của iod và povidon. Dung dịch povidone iod giải phóng iod từ từ, có tác dụng giảm bớt kích ứng da và niêm mạc.
Povidone iod có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm nhưng tác dụng yếu đối với virus và bào tử. Ứng dụng của povidone iod rất đa dạng: dùng cho vết thương hở, vết loét, vết bỏng, viêm nhiễm ngoài da và cả dụng cụ y tế.
Một trong những nhược điểm của povidone iod là nó hiệu lực tác dụng ngắn, dung dịch có màu, mất thẩm mỹ và tuyệt đối không sử dụng cho người cường giáp đề phòng nguy cơ iod giải phóng có khả năng đi vào trong cơ thể.
3.5. Chlorhexidine
Chlorhexidine được sử dụng để sát trùng vết thương do tác dụng diệt khuẩn mạnh, độc tính thấp và bám dính tốt trên da và niêm mạc.
Chlorhexidine hoạt động theo cơ chế phá hủy lớp màng tế bào vi khuẩn đồng thời gây kết tủa các thành phần của tế bào. Chlorhexidine có khả năng diệt khuẩn mạnh nhưng lại gây kích ứng da và niêm mạc.
4. Lưu ý khi mua thuốc sát trùng ở hiệu thuốc
Khi mua các loại thuốc sát trùng, bạn cần nói rõ với dược sĩ là mua làm gì, không tự ý quyết định bởi vì ví dụ cùng là ôxy già, nhưng loại dùng cho vết thương trên da chỉ được phép là loại 3%, còn loại 5% có thể gây bỏng da khi tiếp xúc.
Khi vết thương đã chuyển sang quá trình lành thì không nên tiếp tục sử dụng thuốc sát trùng nữa vì da lúc này còn rất non, có thể bị phá hủy cấu trúc.
Để các loại thuốc sát trùng trong tủ thuốc trên ngăn cao, có khóa tủ để tránh trẻ không biết uống nhầm. Uống nhầm thuốc sát trùng có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử ruột, viêm trực tràng, vỡ đại tràng…