Các chấn thương thể thao thương liên quan các thương tích xảy ra trong khi luyện tập hoặc chơi thể thao. Trẻ em có nguy cơ cao bị chấn thương. Trọng lượng không phù hợp và thiếu ngủ cũng góp phần làm tăng nguy cơ bị chấn thương thể thao.

Chấn thương thể thao thường gặp

Hầu hết các chấn thương thể thao gây tổn thương cho tay và chân như:

- Gãy xương

- Căng cơ và bong gân

- Trật khớp

- Rách gân

- Sưng cơ bắp

Nguyên nhân khiến bạn có thể gặp phải các chấn thương thể thao?

Chấn thương thể thao xảy ra trong khi bạn tập luyện thể thao. Các yếu tố góp phần gây chấn thương thể thao gồm:

- Luyện tập không đúng phương pháp

- Tập luyện quá sức, trong thời gian dài

- Tập luyện trong lúc yếu cơ, gân và dây chằng

- Chơi các môn thể thao nguy hiểm, có đối kháng va chạm,....

Luyện tập không đúng cách là nguyên nhân phổ biến nhất. Sau khi tập luyện, bạn cần để cơ bắp nghỉ ngơi trong vòng 48 giờ để phục hồi. Nếu bạn tăng cường cường độ quá nhanh hoặc không dừng lại khi cảm thấy đau, bạn có thể bị thương. Nhiều vận động viên phạm sai lầm khi tiếp tục luyện tập mặc dù bị đau. Việc này không làm cho bạn mạnh hơn, mà còn có thể gây tổn thương nghiêm trọng.

Mỗi người đều có một số khác biệt về sức mạnh cơ thể. Tuy nhiên, hầu như mỗi người đều có một số điểm yếu nơi xương và cơ, chúng rất dễ bị tổn thương. Một số người bẩm sinh có nhiều đặc điểm khiến họ dễ bị chấn thương ở mắt cá chân, chân, đầu gối và hông, như sự khác biệt về chiều dài chân, bàn chân phẳng, vòm bàn chân cao và những vấn đề khác.

Ví dụ như sự khác biệt về chiều dài chân có thể dẫn đến tư thế không thoải mái trong khi bạn chạy, làm tăng nguy cơ bị chấn thương. Tuy nhiên, những người có chân với chiều dài bằng nhau vẫn có thể bị tổn thương nếu họ chạy trên đường nghiêng hoặc trên đường có phần trung tâm cao hơn.

Các cấu trúc bất thường khác làm tăng nguy cơ bị chấn thương trong thể thao bao gồm:

- Cột sống dưới cong ra phía trước

- Xương bánh chè cao hơn bình thường

- Góc Q cao (là xương bánh chè lệch sang một bên)

Sức mạnh không cân bằng giữa các cơ cũng là nguyên nhân phổ biến gây chấn thương. Các cơ bắp đùi trước quá mạnh có thể làm tăng nguy cơ kéo căng hoặc rách cơ bắp đùi sau.

Các chấn thương do chạy là tình trạng phổ biến ở những người đi giày không đúng cách. Để giảm nguy cơ chấn thương, bạn nên chọn giày dép cẩn thận. Chọn giày để ngăn gót chân di chuyển sang một bên và chân được lót đệm đầy đủ.

Làm cách nào để chẩn đoán chấn thương thể thao?

Trong khi một số chấn thương thể thao dẫn đến đau tức thời hoặc khó chịu, một số khác có thể mất thời gian để phát triển, gây ra tổn thương lâu dài. Thông thường, các chấn thương được chẩn đoán trong các lần khám sức khỏe định kỳ hoặc kiểm tra sức khỏe. Nếu thường xuyên chơi thể thao, đặc biệt là những người có nguy cơ chấn thương cao, bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn nhận thấy sưng hoặc cơn đau gây áp lực lên vùng bị ảnh hưởng. Nếu khu vực bị ảnh hưởng đã bị thương trước đó, hãy nhờ giúp đỡ ngay lập tức.

Cách xử lý chấn thương thể thao

Các chấn thương thể thao được xử lý bằng các cách sau:

- Nghỉ ngơi để ngăn ngừa chảy máu và thương tích nhiều hơn

- Chườm lạnh giúp mạch máu co lại để giảm đau và viêm

- Băng ép

- Nâng cao chân

Nâng cao chân và băng nén giảm sưng giúp giảm tích tụ dịch xung quanh khu vực bị thương.

Bạn lưu ý bỏ đá vào trong túi chườm hoặc khăn và đặt lên vùng bị thương đã được quấn băng. Quấn băng quanh vết thương, nhưng không quá chặt để tránh cản trở lưu thông máu. Bạn chườm túi nước đá trong khoảng 10 phút, sau đó tháo ra và giữ vùng bị thương ở vị trí cao.

Điều này nên được thực hiện nhiều lần trong vài ngày đầu sau khi bị thương. Sau đó, bạn có thể giữ túi nước đá trong thời gian lâu hơn, tối đa 30 phút, để giúp giảm đau và sưng. Nếu bạn bị đau chân hoặc mắt cá chân, hãy tránh đứng dậy trong ngày đầu tiên. Bạn nên nâng cao chân càng nhiều càng tốt.

Bạn cũng có thể tập thể dục nếu nó không gây áp lực cho chấn thương. Không sử dụng vùng bị thương cho đến khi lành. Sau khi lành hoàn toàn, bạn có thể bắt đầu các bài tập nhẹ. Sau một thời gian, bạn có thể tập thể dục nhiều hơn để cải thiện sức mạnh và ngăn ngừa chấn thương lặp lại.

Đối với chấn thương không điều trị được bằng các phương pháp trên, bác sĩ có thể khuyến cáo phẫu thuật và tiêm steroid. Tuy nhiên, những lựa chọn này, mặc dù hiệu quả, chỉ nên được sử dụng như là phương sách cuối cùng vì chúng có những bất lợi riêng. Tiêm steroid có tác dụng tốt chống lại cơn đau, nhưng chúng có thể làm chậm quá trình phục hồi. Bạn chỉ nên dùng steroid khoảng 1 hoặc 2 lần. Tương tự, phẫu thuật chỉ được chỉ định khi tất cả các lựa chọn khác đã thất bại.

Làm thế nào để phòng tránh các chấn thương thể thao?

Để tránh chấn thương thể thao, bạn hãy luôn khởi động trước khi tham gia bất kỳ môn thể thao nào. Điều này giúp cơ thể ở tình trạng sẵn sàng. Một số lưu ý khác để tránh bị chấn thương trong thể thao như:

- Luôn luyện tập thể thao với các kỹ thuật thích hợp. Mỗi loại thể thao đòi hỏi vị trí và tư thế khác nhau.

- Sử dụng các thiết bị, đồ dùng thích hợp. Đi giày vừa vặn và sử dụng các biện pháp bảo vệ khác.

- Duy trì mức độ tập luyện vừa phải, không lạm dụng nó. Nếu bạn bị thương, hãy bảo đảm bạn đã phục hồi hoàn toàn trước khi tiếp tục tập luyện.

- Sau khi bạn đã tập xong, hãy dành một chút thời gian để hạ nhiệt, thường bao gồm những bài kéo giãn giống như khi khởi động.