Uốn ván là bệnh gì? Có nguy hiểm đến tính mạng không?

Uốn ván bệnh cấp tính gây ra bởi ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani). Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào dòng máu và tấn công vào hệ vận động thần kinh-cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ, co giật. Cơn co giật thường xuất hiện khi có kích thích nhưng cũng có thể xuất hiện tự nhiên.

Tùy theo mức độ nhiễm độc, vị trí vết thương, độ rộng vết thương cũng như điều kiện yếm khí tại vết thương, biểu hiện triệu chứng lâm sàng có thể là khu trú (uốn ván thể đầu, co giật một chi...) hay uốn ván toàn thể.

Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4-21 ngày, thường trong vòng 7-10 ngày. Bệnh nhân dễ bị tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.

Tỷ lệ tử vong của uốn ván tùy thuộc vào điều kiện hồi sức cấp cứu và điều trị sớm hay muộn, thông thường thì tỷ lệ chết rất cao, có thể từ 10 - 80%. Xử trí điều trị bằng cách xẻ mở rộng vết thương, loại bỏ điều kiện yếm khí, dùng thuốc kháng sinh có hiệu lực cao để diệt vi khuẩn kết hợp với liệu pháp huyết thanh, chống co giật và hồi sức tốt.

Vết thương hở, vết trầy xước dễ bị nhiễm khuẩn uốn ván

Tại sao bị vết thương trầy xước, rách da dễ bị nhiễm uốn ván?

Khi da bị tổn thương tạo điều kiện cho trực khuẩn uốn ván từ môi trường bị nhiễm bẩn chung quanh dễ dàng xâm nhập vào bên trong cơ thể để gây bệnh.

Trực khuẩn uốn ván có ở khắp nơi quanh môi trường sống của chúng ta như đất, cát, bụi, phân người và động vật... Ở trẻ sơ sinh, việc cắt dây rốn không đảm bảo vệ sinh cũng có thể dẫn đến nhiễm khuẩn uốn ván. Theo các bác sĩ chuyên khoa, uốn ván có sức sống rất mãnh liệt, từ đun sôi đến phơi nắng đều không chết.

Khi xâm nhập vào vết thương, ngay cả những vết thương nhỏ như vết xước, xây xát, người bệnh cũng không nên chủ quan bởi trong môi trường này, nha bào uốn ván vẫn có thể thoát vỏ để phát triển thành vi khuẩn uốn ván, nhân lên và tiết ra các độc tố mà không hề gây sưng nề. Đó là lý do giải thích vì sao vết thương nhỏ, khô, đóng kín miệng rồi nhưng độc tố vẫn phát triển và gây bệnh uốn ván.

Tất cả các vết thương hở, rách da, trầy xước đều có nguy cơ bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Trong đó, ở một số trường hợp vết thương chảy máu bị rách da, tỉ lệ mắc uốn ván rất cao như vết cắt do cành cây, đinh rỉ, vết thương hở mức độ sâu… Một số trường hợp tỉ lệ nhiễm khuẩn thấp hơn như vết bỏng, vết xước nhẹ,…

Nhiễm khuẩn uốn ván có thể xảy ra với mọi đối tượng ở các độ tuổi, vùng miền khác nhau, tuy nhiên, những người làm ở môi trường làm việc có chứa nhiều trực khuẩn uốn ván có nguy cơ cao hơn hẳn như người làm vườn, nông dân trong các trang trại, thợ xây dựng, người dọn vệ sinh, phụ nữ sinh sản,...

Khi bị nhiễm khuẩn uốn ván có triệu chứng gì?

Bệnh uốn ván sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Các triệu chứng này sẽ không biểu hiện ngay từ khi bị vết thương hở mà có thời gian ủ bệnh khá lâu. Có thể chia thành 4 giai đoạn là thời gian ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh.

- Thời gian ủ bệnh: thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Khoảng 15% các trường hợp uốn ván sẽ khởi bệnh sau 3 ngày bị thương, 10% sau 14 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh sẽ càng nặng. Triệu chứng đầu tiên là cứng hàm.

- Khởi phát: Được tính từ khi có biểu hiện đầu tiên đến khi xuất hiện cơn co giật hoặc co thắt thanh quản. Thời gian khởi phát thường từ 1 đến 7 ngày. Thường thì thời gian khởi phát càng ngắn thì bệnh càng nặng đặc biệt là dưới 48 giờ. Các triệu chứng tiếp theo sẽ có như mỏi hàm, khó nhai, khó nuốt, co cơ mặt, co cứng cơ gáy, cứng cổ, co cứng cơ lưng, cơ bụng, cơ trên khiến tay luôn ở tư thế gặp. Các triệu chứng này khiến người bệnh cảm thấy đau đớn và khó hoạt động sinh hoạt hàng ngày, cùng với biểu hiện khác như sốt cao, nhịp tim nhanh.

- Toàn phát: Đến giai đoạn này sẽ là lúc bệnh trở nên nặng nhất được tính từ khi có cơn co giật toàn thân đến khi lui bệnh, thường kéo dài trong vòng 1 đến 3 tuần. Trong giai đoạn này các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn như co cứng toàn thân, khó thở, tím tái toàn thân, co cơ gây bí tiểu, nặng hơn có thể bị rối loạn thần kinh thực vật, da xanh, sốt cao hơn 40 độ tăng hạ huyết áp thất thường, rối loạn nhịp tim, tim ngừng đập đột ngột.

- Lui bệnh: Các cơn co giật bắt đầu thưa dần, các triệu chứng nhẹ hơn, có thể ăn uống bình thường. Lúc này bệnh đã qua giai đoạn nguy hiểm, cơ thể bắt đầu hồi phục dần dần. Tùy vào mức độ của bệnh mà giai đoạn này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

Có cần tiêm vaccin uốn ván không. Nên tiêm vaccin uốn ván vào thời gian nào hợp lý?

Bệnh uốn ván có thể phòng ngừa dễ dàng bằng cách tiêm vaccin phòng uốn ván. Vaccin phòng uốn ván thường được sản xuất phối hợp với vaccin phòng bệnh bạch hầu và ho gà. Vaccin phòng bệnh uốn ván hiện nay được sử dụng thuộc loại vaccin uốn ván hấp phụ, có nhiều tên thương mại khác nhau và có giá trị thời gian bảo vệ trong vòng 5 năm.

Tác dụng phụ có thể xảy ra ở chỗ tiêm như nổi quầng đỏ, sưng nhẹ, sốt thoáng qua và tự mất đi; đôi khi cũng bị các phản ứng nhạy cảm trong các trường hợp tiêm nhắc lại quá nhiều lần. Vaccin được khuyến cáo chống chỉ định sử dụng đối với những người đang mắc bệnh cấp tính, có phản ứng với lần tiêm trước, đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác...

Nên tiêm phòng vaccin uốn ván để đề phòng nhiễm khuẩn uốn ván

Việc tiêm vaccin phòng bệnh uốn ván phải có sự chỉ định, giám sát, hướng dẫn cụ thể của nhân viên y tế từ việc tiêm để tạo miễn dịch cơ bản cho người lớn và trẻ em có các hoạt động dễ bị chấn thương như người làm vườn, nông dân, vận động viên, trẻ hay nô đùa, chạy nhảy...; vaccin cũng được sử dụng cho phụ nữ đang ở lứa tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai chưa tiêm lần nào để phòng bệnh uốn ván sơ sinh.

- Các loại vết thương có nguy cơ cao nhiễm uốn ván cần được tiêm phòng khẩn cấp bao gồm:

+ Vết thương nặng do tai nạn giao thông nghiêm trọng

+ Vết thương được gây ra do các vật sắc nhọn như đinh gỉ, mái tôn gỉ, cành cây,…

- Một số loại vết thương hở có nguy cơ nhiễm uốn ván thấp hơn như:

+ Vết bỏng

+ Trầy xước nhẹ

+ Các loại vết thương hở không sâu và không bị nhiễm bẩn

Tuy không bắt buộc phải tiêm phòng uốn ván nhưng cũng cần được sơ cứu kịp thời và đúng cách để phòng ngừa nguy cơ. 

Ngoài ra, không phải chỉ khi bị thương bạn mới cần tiêm vắc xin phòng uốn ván. CDC (trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) khuyến cáo rằng, mọi người ở mọi độ tuổi đều nên tiêm vắc xin phòng uốn ván.

- DTaP: nên tiêm vắc xin này cho trẻ dưới 7 tuổi, tiêm khi trẻ đủ 2, 4, 6 tháng và từ 15 đến 18 tháng. Sau đó, nên tiêm nhắc lại khi trẻ từ 4 đến 6 tuổi.

- Tdap: nên tiêm vắc xin này cho trẻ từ 11 – 12 tuổi. Ngoài ra, người trưởng thành chưa được tiêm Tdap ở độ tuổi này nên tiêm nhắc lại vắc xin.

- Td: hiệu lực phòng bệnh của vắc xin uốn ván sẽ giảm dần sau thời gian, do vậy, người trưởng thành nên tiêm nhắc lại vắc xin Td sau mỗi 10 năm.

Những ai không nên tiêm vaccin uốn ván?

Hãy trao đổi thêm với bác sĩ trước khi tiêm vắc xin phòng uốn ván nếu bạn:

- Bị dị ứng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng với vắc xin ở những lần tiêm trước

- Co giật hoặc rơi vào hôn mê sau khi tiêm vắc xin phòng uốn ván.

- Bệnh nhân mắc hội chứng Guillain – Barré.

- Đang mắc các bệnh cấp tính ngay khi chuẩn bị tiêm vắc xin.

- Đang sử dụng thuốc corticoid liều cao.

Những việc cần làm ngay khi bị vết thương hở, phòng ngừa nguy hiểm nhiễm khuẩn uốn ván 

- Rửa vết thương để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn uốn ván: khi mới có vết thương dù lớn hay nhỏ, cần rửa ngay dưới vòi nước sạch để đẩy chất bẩn ra ngoài, làm sạch vết thương. Nếu vết thương chảy máu và dính nhiều bùn, đất, cát, thì nên dùng nước muối sinh lý hoặc Povidone iod để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra và cầm máu. Tiếp theo là rửa lại vết thương bằng xà phòng rồi lau khô.

- Với vết thương có dị vật: cần rửa tay sạch rồi lấy dị vật ra, băng bó vết thương và thay băng hàng ngày. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì nên đến cơ sở y tế xử lý dị vật.

- Nếu vết thương xuất hiện những dấu hiệu: đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành… người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế/bệnh viện.

- Tiêm huyết thanh phòng uốn ván S.A.T 1500 đơn vị: Uốn ván là bệnh nguy hiểm tới tính mạng. Chờ tới khi đã xuất hiện triệu chứng thì cơ hội sống sót là rất thấp. Do đó, việc tiêm huyết thanh phòng uốn ván cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thời gian tốt nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi bị chấn thương để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh (Huyết thanh vẫn có thể tiêm sau 24 giờ, tuy nhiên tiêm càng muộn thì tác dụng bảo vệ càng ít đi). Việc tiêm huyết thanh nhằm phòng ngừa uốn ván ở người mới bị vết thương thường áp dụng cho những người không tiêm phòng vaccin uốn ván trong 5 năm gần đây.