Trong phẫu thuật nâng mũi, việc sử dụng mô tự thân như trung bì mỡ để làm vật liệu cấy ghép thay thế ngày càng được chú ý nhờ các ưu điểm giảm biến chứng như nhiễm trùng, biến dạng, di lệch,… Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kĩ hơn về việc nâng mũi bằng phương pháp cấy mỡ trung bì.

Trung bì mỡ là gì?

Da cấu tạo gồm 3 thành phần:

• Thượng bì (biểu bì): có cấu trúc tế bào không mạch máu, gồm 5 lớp: lớp đáy, lớp gai, lớp hạt, lớp sáng, lớp sừng.

• Trung bì: nằm giữa thượng bì và mô mỡ dưới da, chứa collagen, elastin, mạch máu, thần kinh, nang lông, tuyến bã…

• Hạ bì: là mô mỡ dưới da.

Mỡ trung bì (Dermal Fat Graft) chính là phần trung bì và lớp mỡ dưới da còn lại sau khi đã loại bỏ đi lớp biểu bì, được sử dụng như một mảnh ghép trong phẫu thuật tạo hình.

Nâng mũi bằng cấy mỡ trung bì được sử dụng nhiều trong phẫu thuật thẩm mỹ

Phẫu thuật thẩm mỹ bằng phương pháp ghép mỡ đơn thuần thì theo thời gian, mỡ cấy ghép sẽ tiêu đi một phần do thiểu dưỡng, khiến tỷ lệ mỡ còn lại không giữ được form như ban đầu. Nếu cấy quá nhiều mỡ trong 1 lần thì lại có nguy cơ thoái hóa hoại tử mỡ trung tâm và gây viêm nhiễm. Do đó, khách hàng thường phải tốn thời gian để cấy mỡ nhiều lần bổ sung.

Trong khi đó, với những khiếm khuyết mô không nhỏ nếu chỉ sử dụng lớp trung bì thì không đủ thể tích để bù đắp cho vùng khiếm khuyết, chẳng hạn như phẫu thuật nâng mũi.

Riêng với mảnh ghép là trung bì mỡ thì cấu tạo của lớp trung bì có hệ vi mạch máu phong phú để nuôi dưỡng các tế bào mỡ ở lớp hạ bì. Thông qua cơ chế tân sinh vi mạch máu mới xung quanh mảnh ghép thì các mạch máu mới sẽ kết hợp với đám rối vi mạch có sẵn trong lớp trung bì, từ đó nuôi dưỡng lớp mỡ ở hạ bì sống tốt hơn.

Cho nên với những vùng có lượng mô khiếm khuyết vừa phải như trong phẫu thuật nâng mũi, thì ghép mỡ trung bì có độ bền cao hơn, mức độ cải thiện nhiều hơn và kết quả ổn định hơn so với phương pháp cấy mỡ tự thân thông thường.

Kỹ thuật lấy trung bì mỡ – tạo hình mũi

Mỡ trung bì thường được lấy ở những vị trí có mô mỡ dưới da dầy như: mông, bẹn, bụng dưới. Các bác sĩ sẽ lựa chọn lấy ở những vị trí kín đáo, đường rạch nhỏ để không lộ sẹo.

Đặc điểm của loại mỡ này là hay bị co kéo, giảm thể tích một phần ngay sau khi lấy, vì thế bác sĩ nên lấy nhiều hơn một chút so với thể tích cần thiết.

Sau khi xác định vị trí, bác sĩ sẽ tiến hành tách và loại bỏ hoàn toàn lớp biểu bì bên trên ra khỏi lớp trung bì, sau đó đi sâu xuống lớp mỡ, thu hoạch mỡ trung bì. Lớp biểu bì lấy đi càng mỏng, lớp trung bì thu được càng dày. Lưu ý không để sót phần biểu bì vì có thể gây hình thành nang biểu mô, do đó phải thực hiện tỉ mỉ.

Theo các chuyên gia, kĩ thuật nâng mũi bằng mỡ trung bì nên được thực hiện bằng phương pháp tạo hình mũi hở. Vì với phương pháp này, các bác sĩ cũng có thể chỉnh sửa được phần đầu mũi.

Sau khi tạo khoang để đặt miếng ghép, bác sĩ cắt tỉa tỉ mỉ miếng mỡ sao cho có hình dáng phù hợp. Sau khi đặt vào, đầu trên khối mỡ được treo bằng chỉ, đầu dưới được cố định vào sụn cánh mũi bên dưới hoặc sụn vách ngăn.

Ứng dụng mỡ trung bì trong phẫu thuật tạo hình mũi

Trường hợp nâng mũi mới

Hầu hết các trường hợp mũi thấp tẹt mức độ ít hoặc vừa mà nhu cầu nâng cao vùng sống mũi không nhiều thì đều có thể lựa chọn phương pháp nâng mũi bằng ghép mỡ trung bì để:

- Cải thiện vùng sống mũi và đầu mũi.

- Cải thiện tình trạng lộ chất liệu mảnh ghép dưới da vùng mũi.

- Cải thiện khuyết lõm nhỏ ít ở vùng mũi do mô dưới da teo nhỏ, co rút.

Sử dụng mỡ trung bì để chỉnh sửa sau khi nâng mũi hỏng

Đa phần mũi sửa lại có các tình trạng viêm, xơ, co rút mô sẹo hoặc với các trường hợp mũi đang viêm nhiễm ko thể đặt vật liệu ngoại lai thì độn trung bì mỡ là 1 lựa chọn thích hợp để:

- Vừa chống khuyết hỏng mô vùng mũi gây mất thẩm mỹ.

- Mà còn tạo nên lớp mô mỡ đệm dưới da đóng vai trò như lớp lò xo đàn hồi để chống lại các mô xơ sẹo co rút.

- Cũng như khích thích tạo nên hệ vi tuần hoàn phong phú dưới da vùng mũi.

- Cuối cùng là tạo điều kiện, môi trường sinh lý tốt nhất để chỉnh sửa lại mũi nếu cần thiết.

Đánh giá chất liệu trung bì mỡ trong phẫu thuật tạo hình mũi

Ưu điểm

- Vì là mô tự thân nên mỡ trung bì tự thân ít nguy cơ gây phản ứng viêm, dị ứng, nhiễm trùng, tụ máu hay thải ghép.

- Mỡ trung bì có thể được sử dụng trong trường hợp chỉ cần cải thiện đầu mũi mà không cần cải thiện vùng sống mũi.

- Ngoài ra, phương pháp này cũng thích hợp trên khách hàng muốn nâng cao phần sống mũi mà không thích dùng chất liệu nhân tạo, mong muốn có vẻ ngoài tự nhiên, mềm mại, hạn chế lộ sống, biến đổi màu sắc da và giảm thiểu khả năng nhiễm trùng.

- Với những người có da mũi mỏng, dễ bị lộ vật liệu nếu chỉ sử dụng sụn nhân tạo thông thường (như sụn silicon, goretex…) thì kết hợp trung bì mỡ kèm theo sẽ có thể giải quyết các vấn đề trên.

- Sử dụng mỡ trung bì có hiệu quả khi dùng để khắc phục nhược điểm cho các trường hợp từng phẫu thuật trước đó nhưng gặp các vấn đề như nhìn thấy mảnh ghép (lộ sụn), sờ thấy chất liệu, di lệch chất liệu gây mất thẩm mỹ, hoặc các khiếm khuyết, lõm nhỏ ở mô dưới da vùng sống mũi, đầu mũi, cánh mũi.

- Đối với những bệnh nhân gặp biến chứng sau nâng mũi như co rút, biến dạng đang có tình trạng viêm, nhiễm trùng: đặt trung bì mỡ là giải pháp giúp bệnh nhân duy trì dáng mũi ổn định, hạn chế tình trạng co rút, giúp da có sự đàn hồi mềm mại hơn trong khi chờ để làm lại cấu trúc mũi mới.

Nâng mũi bằng mỡ trung bì là một phương pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả nâng mũi hỏng

Nhược điểm

- Một trong những nhược điểm đáng chú ý là trong giai đoạn đầu sau ghép, mỡ sẽ bị tiêu, giảm thể tích vì hệ mạch máu ở lớp trung bì chưa kịp kết hợp với hệ mạch máu tân sinh. Tỉ lệ tái hấp thu mỡ vào khoảng 20 – 50%.

- Sự tiêu mỡ đôi khi xảy ra không đồng đều, dẫn đến tình trạng bề mặt da lổm nhổm hoặc xơ cứng.

- Mô mỡ lỏng lẻo, dễ bị bầm dập, khó tạo hình.

- Với những form mũi quá thấp, quá tẹt mà yêu cầu cải thiện quá cao thì khó thể sử dụng đơn thuần chỉ với một chất liệu trung bì mỡ.